Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai quá tải vì bệnh nhân tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau thông tin nghệ sĩ Phước Sang bị đột quỵ phải cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng lên tiếng cảnh báo về số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

VT_PGS Tôn3.jpg
PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân đột quỵ sau can thiệp

Số ca đột quỵ tăng mạnh

Sáng nay, 29/3, PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết những ngày qua, Trung tâm Đột quỵ liên tục quá tải. Trung tâm có ngày phải cấp cứu gần 60 bệnh nhân đột quỵ. Có đêm, chỉ tính riêng bệnh nhân đột quỵ trẻ, đã tới 6 người vào cấp cứu, tuổi từ 22 đến 45.

Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, đột quỵ gia tăng và xuất hiện ở nhiều người trẻ là một vấn đề đáng lưu tâm.

Cách đây mấy ngày, chị Vũ Thị H. (42 tuổi, ở Yên Bái) được đưa vào viện vì đau đầu, tê yếu nửa người. Chị H. cho biết nửa tháng nay chị bị đau đầu tăng dần, hoa mắt, chóng mặt kèm đau nhức hai chân, đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không đỡ. Khi chị xuất hiện tình trạng tê bì, yếu nửa người trái, người nhà đã đưa tới Trung tâm Đột quỵ.

Nhờ được các bác sĩ can thiệp nhanh chóng nên dù huyết khối nhiều tĩnh mạch não, bệnh nhân vẫn chưa có biến chứng chảy máu não, giúp việc điều trị thuận lợi.

Một nữ bệnh nhân 32 tuổi (quê Hưng Yên) đến Trung tâm Đột quỵ khi bị liệt nửa người, nói ngọng. Với chẩn đoán bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh, các bác sĩ lập tức đưa vào nhóm báo động đỏ.

Được song song áp dụng 2 phương pháp điều trị tiêu huyết khối và lấy huyết khối, bệnh nhân đã nói được, còn yếu nhẹ nửa người phải, NIHSS cải thiện từ 11 điểm khi vào viện xuống còn 1 điểm.

Trong một trường hợp khác, một nữ công nhân 45 tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ và liệt nửa người trái. Quy trình báo động đỏ của Trung tâm được khởi động. Sau khi xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do lóc tách động mạch cảnh trong phải - tắc động mạch não giữa phải, kế hoạch can thiệp được Trung tâm thiết lập nhanh chóng.

PGS. Mai Duy Tôn cho biết: “Lóc tách động mạch cảnh là căn nguyên đặc biệt của nhóm người bệnh nhồi máu não trẻ tuổi. Để can thiệp lấy huyết khối cho nhóm bệnh này vô cùng khó khăn”.

Tuy nhiên, với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của các chuyên gia đột quỵ hàng đầu, bệnh nhân đã được tái thông động mạch não và lóc tách động mạch cảnh trong nhanh chóng. Nhờ đó, bệnh nhân tỉnh táo trở lại và vận động bên người bị liệt tốt hơn, tự đi lại và sinh hoạt nhẹ nhàng.

VT_ trao đổi.jpg
PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - trao đổi với các bác sĩ về phương pháp điều trị

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như nữ bệnh nhân trên. Một nam bệnh nhân 36 tuổi được chuyển tới từ BVĐK Quốc tế Vinmec Phú Quốc do bị liệt nửa người và không nói được. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong - não giữa trái.

Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, đây là bệnh hiếm gặp của mạch máu não thường xảy ra ở tuổi 30-50 ở nhóm bệnh nhân Đông Á. Bệnh tiến triển mạn tính gây hẹp dần, tắc động mạch cảnh trong sọ và các mạch máu nhỏ tăng sinh để bù trừ. Bệnh nhân đang được điều trị nhưng phục hồi rất chậm. Hậu quả này có thể thế tránh được nếu bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ sớm hơn.

Một trường hợp khác là một phụ nữ 40 tuổi đang làm ca đêm thì đột ngột bị đau đầu rồi hôn mê, được tuyến dưới chuyển lên Trung tâm đột quỵ. Bệnh nhân bị chảy máu đồi thị phải, nhưng do hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, nguy cơ tử vong của bệnh nhân khá cao.

Biện pháp phòng, tránh đột quỵ được khuyến cáo

Trước tình trạng số người đột quỵ tăng nhanh thời gian gần đây, nhất là ở số người trẻ, PGS.TS. Mai Duy Tôn khuyến cáo 3 cách phòng, tránh đột quỵ: Mọi người, nhất là các bạn trẻ, nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…

Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

VT- Dot quy.jpg
Bệnh nhân đột quỵ nếu sống sót dễ bị di chứng nặng nề

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - nơi được chứng nhận Kim Cương lần thứ 11 của Tổ chức Đột quỵ Thế giới - hiện sẵn sàng tư vấn cách phòng ngừa, sàng lọc nguy cơ hay điều trị đột quỵ cho người dân.

Một số vấn đề về đột quỵ được PGS.TS. Mai Duy Tôn đặc biệt khuyến cáo:

ĐỘT QUỴ NÃO RẤT NGUY HIỂM

Đột quỵ não là bệnh rất nguy hiểm, thường gặp ở Việt Nam với khoảng 200 người mắc mỗi năm. Nhiều năm qua, đột quỵ não vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Những bệnh nhân may mắn được cứu sống thì thường để lại di chứng nặng nề, là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu, từ mức độ nhẹ như rối loạn cảm giác, thay đổi tính cách đến mức độ nặng hơn như liệt vận động, không đi lại được, khó khăn trong giao tiếp, suy giảm nhận thức, đến mức độ nặng như hôn mê, sống thực vật, v.v..

THỜI GIAN VÀNG

Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông, hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân càng được điều trị sớm trong khoảng thời gian này, cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu càng điều trị muộn trong cửa sổ thời gian này, cơ hội phục hồi càng thấp đi.

Do vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, cần đưa bệnh nhân vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM VỚI BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ

Không cho phép người bệnh tự lái xe đến bệnh viện: Hãy gọi 115 hoặc chờ đợi sự giúp đỡ.

Không được cho người bệnh uống thuốc: Bạn không biết loại đột quỵ não nào mà người bệnh đang mắc phåi, nên không được cho uống bất kỳ loại thuốc nào có thể làm chảy máu nặng hơn.

Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Bệnh nhân bị đột quỵ thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt, do đó, cho ăn hoặc uống có thể bị nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi sau đó.